Tiền lương trong thời gian thử việc là bao nhiêu? Doanh nghiệp có đang vi phạm?

Monday, 24/12/2018, 10:32 GMT+7

TIỀN LƯƠNG TRONG THỜI GIAN THỬ VIỆC

Luật sư Wikilaw nhận được nhiều câu hỏi về vấn đề thời gian thử việc và mức lương trong thời gian thử việc. Nhận thấy đây là vấn đề phổ biến và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người lao động nên Nhóm luật sư chuyên về lao động của Wiklaw chọn làm chủ đề phân tích nhằm giúp mọi người nắm rõ hơn quy định về pháp luật lao động nói chung và pháp luật về thời gian và lương trong thời gian thử việc nói riêng

1. Thời gian thử việc theo quy định của pháp luật hiện hành

Đã đăng nên các bạn vui lòng xem tại:

http://www.wikilaw.vn/thoi-gian-thu-viec

 

Lương trong thời gian thử việc theo quy đinh PL

2. Lương trong thời gian thử việc

Trong thời gian thử việc người lao động có được trả lương hay không? lương được trả bao nhiêu là đúng quy định?

Mặc dù trong thời gian thử việc nhưng người lao động thử việc vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ lao động, tạo ra sản phẩm, lợi nhuận…cho người sử dụng lao động tương tự như người lao động chính thức. Vì vậy việc trả lương cho người lao động trong thời gian này pháp luật quy đinh là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động để đảm bảo tính công bằng cho người lao động.

Tuy nhiên dù sao đây cũng là thời gian thử thách đối với người lao động và ở một góc độ nào đó đây cũng là thời gian người sử dụng lao động đào tạo cho người lao động nên mức lương người lao động được hưởng trong thời gian thử việc sẽ không bắt buộc phải trả ngang bằng với người lao động chính thức cùng làm công việc đó.

Vì vậy, Điều 28 Bộ luật lao động hiện hành (Viết tắt: “BLLĐ”) quy định tiền lương thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Các vấn đề lưu ý các vấn đề sau đây khi áp dụng quy định này:

Theo quy định tại Điều 90 BLLĐ cơ cấu tiền lương gồm:

  1. Mức lương theo chức danh hoặc theo công việc
  2. Phụ cấp lương, và:
  3. Các khoản bổ sung khác

Giả sử người lao động đang làm việc chính thức được hưởng đầy đủ các khoản nêu trên thì đối với người lao động thử việc, người sử dụng lao động có quyền chỉ căn cứ vào khoản (1) mức lương theo công việc, để xác định mức lương phải trả.

Ví dụ: Lương cho nhân viên lái xe chính thức 12 triệu đồng/ tháng trong đó

  • Mức lương cho loại việc lái xe: 7 triệu đồng/ tháng
  • Phụ cấp lương: 1.5 triệu đồng/ tháng
  • Các khoản bổ sung khác 3.5 triệu đồng/ tháng

Vậy mức lương của người lao động thử việc lái xe thấp nhất mà người lao động phải trả là: 5,95triệu đồng/ tháng (85% của 7 triệu)

Cần phân biệt và nắm rõ quy định này để tránh trường hợp nhận thức sai: “Lương anh A 12tr, vậy theo luật tôi phải được 12tr/ x 85% = 10,2 triệu/ tháng…” ?! Sai! (Mức lương như phân tích trên mới đúng)

Hai bên có thể thỏa thuận để tra cho người lao động mức cao hơn mức tối thiểu được quy định tại Điều 28 BLLĐ do về phương diện thỏa thuận, pháp luật không cấm đồng thời còn khuyến khích người sử dụng lao động trả lương cao cho người lao động. Vì vậy các mức quy địnhtại BLLĐ chủ kà mức thấp nhất như là dạng “đáy” của tiền lương để từ đó dành cho các bên quyền tự định đoạt.

Cơ sở pháp luật: 

Điều 27. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Điều 28. Tiền lương trong thời gian thử việc

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

 

Luật sư Lê Văn Sự

ĐT: 0902877789


Written : Luật sư Lê Văn Sự


Copyright © 2012 Công Ty TNHH Tư Vấn WIKILAW