Answer by :
Công ty được quyền giữ bản chính giấy tờ của người lao động? Được quyền buộc người lao động đóng tiền “thế chân” để được làm việc?
Luật sư của Wikilaw xử lý nhiều vụ tranh chấp liên quan đến lao động. Trong số đó có nhiều vụ tranh chấp phát sinh là do người sử dụng lao động cố tình giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng chứng chỉ của người lao động thậm chí có trường hợp người lao động còn phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền (hay gọi là thế chân) hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng.
Vậy theo quy định pháp luật lao động hiện hành, Công ty có quyền giữ các bản chính giấy tờ của người lao động hay không? Nếu có thì trường hợp nào giữ là đúng luật? Công ty có được phép buộc người lao động phải đóng một khoản tiền “thế chân” để đảm bảo thực hiện hợp đồng hay không? Trường hợp nào được và trường hợp nào bị cấm?
Những câu hỏi trên cũng là những thắc mắc của rất nhiều người lao động đã liên hệ đến Luật sư chuyên giải quyết tranh chấp lao động của Công ty luật Wikilaw chúng tôi gần đây. Do đó Chúng tôi viết bài này để giúp mọi người biết rõ quy định pháp luật lao động hiện hành và áp dụng cho đúng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình không bị xâm phạm; Công ty cũng tránh những vụ kiện không đáng có nếu nắm rõ cơ sở lý luận cũng như pháp luật của vấn đề này
Về lý luận:
Thực tiễn giao kết, thực hiện hợp đồng lao động cho thấy: việc giao kết hợp đồng lao động hay không chủ yếu do người sử dụng lao động quyết định; trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động người lao động phải chịu sự quản lý, giám sát thậm chí xử lý kỷ luật của người sử dụng lao động. Họ nắm đủ các công cụ lao động từ quy định nội quy lao động cho đến các biện pháp quản lý giám sát. Điều đó cho thấy rằng đây là mối quan hệ không cân bằng và mọi lợi thế thuộc vào tay người sử dụng lao động. Vậy việc bản chính các giấy tờ quan trọng hay buộc phải đóng 1 khoản tiền thế chân để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động là không cần thiết, chỉ làm tăng thêm sự mất cân đối trong mối quan hệ lao động này thôi.
Đối với người lao động: Họ luôn ở thế yếu vì cần việc làm để nuôi sống bản thân, gia đình nên họ phải chấp hành yêu cầu của Công ty như một điều kiện để được nhận việc làm. Tuy nhiên khi bị giữ bản chính giấy tờ khiến họ sẽ lập tức gặp khó khăn nếu họ muốn làm thêm công việc ở công ty khác để tăng thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống…hành vi tưởng chừng như vô hại của việc giữ giấy tờ bản gốc vô tình đã hạn chế quyền lao động của công dân mà quyền này đã được Hiến pháp ghi nhận rõ ràng. Thậm chí có trường hợp công ty đã không chịu trả lại giấy tờ dẫn đến người lao động không thể xin được việc làm mới, gia tăng vấn nạn thất nghiệp, cuộc sống người lao động vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.
Từ phân tích trên thấy rằng về lý luận việc người lao động muốn giữ giấy tờ bản chính của người lao động như một biện pháp an toàn cho mình là điều không hợp lý và dễ gây ra tranh chấp lao động nên cần phải chấm dứt ngay từ bây giờ.
Về pháp lý:
Pháp luật lao động hiện hành đã cấm:
-
Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
-
Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
(Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động)
Điều này được giới luật sư chúng tôi nhận định là điểm tiến bộ để tránh tranh cãi về việc được hay không được giữ giấy tờ/ thu tiền “thế chân” của người lao động và làm cơ sở pháp lý để giải quyết dứt điểm những tranh chấp liên quan đến vấn đề đó.
Tuy nhiên nếu phân tích sâu hơn, quy định tại Điều 20 này vẫn chưa kín kẽ, người sử dụng lao động vẫn có thể tìm ra biện pháp đảm bảo khác yêu cầu người lao động thực hiện mà không bị coi là vi phạm Điều 20 này (Áp dụng biện pháp nào thì cần nắm chuẩn và chuyên sâu quy định của pháp luật mới an toàn pháp lý được; nếu cần được tư vấn giải pháp thì các bạn có thể liên hệ với Luật sư của Wikilaw)
Mặc khác Điều 20 cũng không loại trừ được việc người sử dụng lao động buộc người lao động phải thực hiện biện pháp đảm bảo khi sử dụng lao động giao cho người lao động gần như toàn quyền sử dụng một công cụ lao động, một tài sản có giá trị cao (ví dụ như xe ô tô, xe tải ) mà người được giao thường xuyên sử dụng nó ngoài tầm quản lý cơ học của công ty. Về mặc pháp lý có thể gọi đây là giải pháp “lách” luật vì vấn đề này Luật chưa rõ ràng, không cấm nên được làm. Hơn nữa đây không phải là biện pháp đảm bảo cho việc giao kết, thực hiện hợp đồng lao động giữa hai bên mà chỉ là biện pháp đảm bảo (dân sự) tránh rủi ro đối với tài sản mà người lao động đã giao cho người lao động (tránh trộm cắp, chiếm đoạt, phá hoại tài sản, công cụ lao động nhất là những tài sản, công cụ có giá trị cao)
Tóm lại: Việc người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. hoặc buộc người lao động nộp một khoảng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. là vi phạm pháp luật lao động trong mọi trường hợp. Còn việc giữ một khoản tiền hoặc một tài sản khác để đảm bảo tránh rủi ro khi họ giao tài sản, công cụ, phương tiện cho người lao động quản lý thì tùy trường hợp cụ thể.và biện pháp áp dụng.
Xử phạt hành chính:
Nếu người sử dụng lao động vi phạm Điều 20 trên đây sẽ phải bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng (Quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP; Khoản 2, Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP)
Đồng thời bị
-
Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
-
Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
Khi gặp vấn đề pháp lý tương tự hoặc các vấn đề pháp luật khác, Các bạn có thể liên hệ với đội ngũ Luật sư lao động của chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất. Công ty Luật Wikilaw là Công ty luật uy tín tại Bình Dương luôn sẵn sàng tư vấn pháp luật miễn phí cho tất cả những người lao động, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Chúc các bạn mọi điều an vui, hạnh phúc!
Luật sư Lê Văn Sự
ĐT: 0902877789
Web: wikilaw.vn
http://www.wikilaw.vn/vn/dich-vu/Tu-van-phap-luat-lao-dong-tai-binh-duong-4.html